Quy định thứ hai là tiền “bàn”. Phượng nói bắt đầu vào ca, quản lý sẽ phân công cho tiếp viên A phụ trách 3 bàn này, tiếp viên B phụ trách 3 bàn kia…: “Cho dù 3 bàn đó có khách hay không, mỗi ngày tụi em đều phải đóng cho quản lý 10 nghìn gọi là tiền “bàn”.
Đem chuyện này ra hỏi quản lý – là một phụ nữ đứng tuổi, ăn vận diêm dúa, phấn son lòe loẹt như để che giấu những nếp nhăn đã hằn sâu trên khuôn mặt chảy xệ, chị ta trả lời: “Vì tiếp viên nữ khi phục vụ bàn thường được khách “boa”, còn tiếp viên nam thì không, nên số tiền ấy chia cho mấy đứa nam để tụi nó đỡ thiệt thòi”.
Nhưng nói vậy mà không phải vậy, tất cả những nhà hàng, quán nhậu tôi đi thực tế, tiếp viên nam chỉ chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn. Quán nhậu S chẳng hạn, nam gồm 3 người, công việc của họ là dọn dẹp bàn ghế lúc quán đóng cửa, bưng bê thức ăn từ nhà bếp lên giao tiếp viên nữ đem tới bàn cho khách hoặc lấy thêm bia, thêm đá.
Long, tiếp viên nam làm ở đây đã hơn 2 năm cho biết: “Gọi là chia nhưng mỗi tháng tụi em chỉ được thêm 500 nghìn”.Thử nhẩm một phép tính: 16 tiếp viên nữ, mỗi ngày quản lý thu tiền “bàn” 160 nghìn, một tháng vị chi 4,8 triệu mà chỉ phải “chia” 1,5 triệu, số còn lại chị ta bỏ túi!
Vẫn tại quán nhậu S, lương tháng của mỗi tiếp viên nữ là 1,6 triệu đồng, ăn uống tự lo, nhưng mỗi tháng, mỗi cô phải nộp 300 nghìn tiền “bàn”. Dung cho biết: “Chưa hết đâu anh, nếu đi trễ 15 phút, tụi em bị phạt 100 nghìn, còn nghỉ không xin phép phạt 200 nghìn”. Ác thay, ca “phục vụ” nào cũng vậy, các cô đều bị khách ép uống bia nên dù có là “thần tửu” chăng nữa, nhiều cô vừa “trăm phần trăm” với khách xong là lao vào nhà vệ sinh, ói ra mật xanh mật vàng, sáng hôm sau người nhũn như cọng bún nên đành chấp nhận bị phạt vì đi trễ.