Mỗi khi sử dụng xong nàng lại nhẹ nhàng lau rửa sạch sẽ và đặt linh vật lại chỗ cũ. Đó quả là một báu vật của đời – như cách gọi của Mạc Ngôn, bởi nó vừa có công năng quan trọng để sử dụng trong nhu cầu sống thường nhật, vừa có giá trị thẩm mỹ và trưng bày tuyệt đích, lại vừa có ý nghĩa lịch sử và văn hoá cao. 2. Đại Đồn Tạm dừng câu chuyện về Cấn Cúc Thu với linh vật mà nói tới huyện Cơ Lương tỉnh Sơn Tây cách Hà Nội chừng ba mươi dặm về phía tây nam, nơi đây có anh học trò nhà nghèo họ Lâm. Hồi mẹ Lâm mang bầu sinh nở, làng xóm cứ kháo nhau mà đồn đại rằng Lâm không phải con bố Lâm, mà lại là con bố Lâm, khiến bố Lâm cả giận mà đặt tên con là Đại Đồn, mong lấy đó như một lời nhắc nhở bà con lối xóm đừng có đồn đại quá đà, và như một lời cảnh báo xã hội về tật xấu ngồi lê đôi mách vô văn hoá đã có nguy cơ trở thành quốc nạn. Lâm Đại Đồn là anh em dị bào khác cha khác mẹ với Lâm Đại Phì, một danh sĩ đương thời hiện vẫn đang ngọa hổ tàng long trong một Trung tâm đào tạo tin học nhỏ bé, và nghe đâu còn là hậu duệ nhánh thứ hai mươi tám của chị dâu em bà cô họ nàng Lâm Đại Ngọc trong Hồng Lâu Mộng ở tận bên Trung Quốc. Lâm thủơ bé thông minh sáng dạ, học một biết mười, nhưng phải cái tính nết vô cùng nhút nhát.