Anh Long tôi nhờ bạn bè quen xin được chân công nhân trong hảng in, và họ giúp đở chở đi, rước về làm ca trưa đến tối. Chị dâu và tôi học lớp Anh ngữ trung cấp, tôi theo bậc đại học, trong khi em gái- Thiên Kim học trường trung học lớp 11. Cha mẹ tôi cũng có việc làm lặt vặt ngoài khu phố, sáng rời nhà sớm có khi 6- 7giờ tối mới về.
Nói học lái xe cho có bằng lái treo giàn bếp chơi !- chứ nào có tiền mua chiếc xe cũ với giá khiêm nhường- làm chân gia đình khi di chuyển, mọi người trong gia đình đều dùng phương tiện công cộng xe bus, xe hỏa. Dù rằng cả gia đình sang Úc gần hai năm, các thứ gia dụng: bàn ghế, giường tủ cũ… đều do các Hội Từ thiện cho, hoàn cảnh thuyền nhân ai cũng “hao hao” giống nhau, an bình và thỏa thích như vậy!. Chúng tôi không còn bận rộn lo cái ăn, cái mặc nhất thời như những tháng ngày sống lao đao, vất vưởng chờ đợi ở trại tỵ nạn Bidong và lẩn quẩn, chật vật kế sanh nhai như ở Việt Nam.
Thường thường hai chị em chúng tôi học về sớm, chị dâu tôi lo cơm nước trong nhà bếp, tôi cũng phụ tay để dư thời giờ đối thoại Anh ngữ, hoặc xem Tivi nghe tin tức trao dồi thính thị ngoại ngữ. Tôi phụ giúp đang trút bao gạo vào thùng, dọn dẹp nhà sau xong, thanh toán đóng quần áo dơ cho vào máy giặt.